Ung thư vòm họng là bệnh khá thường gặp ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm vì các dấu hiệu nhận biết thường lẫn với các bệnh thông thường nên người bệnh phát hiện muộn dẫn đến việc chữa chạy khó khăn, tốn kém nhưng ít mang lại kết quả.
Điều may mắn là bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh và chữa trị tốt thông qua các chia sẻ hữu ích trong bài viết dưới đây.
Với cẩm nang phòng và điều trị ung thư vòm họng, bạn sẽ hiểu được cơ bản về căn bệnh này, nguyên nhân, triệu chứng và toàn bộ các cách phòng và điều trị hiệu quả.
Phần 1: Ung thư vòm họng – nỗi khủng khiếp của người bệnh
1. Ung thư vòm họng là gì?
Bệnh ung thư vòm họng (NPC – Nasopharyngeal Carcinoma) ở nước ta có tỷ lệ cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ, đứng hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung, với tỷ lệ: 9 -11 bệnh nhân/100.000 dân/năm.
Nhưng các triệu chứng lại không điển hình hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận như: tai, mũi, thần kinh, hạch… do đó việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.
Ung thư vòm họng (vòm họng còn gọi là vòm hầu hay họng trên) là một dạng ung thư xuất phát từ các tế bào biểu mô ở vùng vòm họng (phần cao nhất của họng, có hình vòm). Ung thư vòm họng thường gặp ở nam giới và để lại nhiều hậu quả như đau đớn và khó khăn trong quá trình ăn uống với hầu hết bệnh nhân, tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này cao.
Ung thư vòm họng rất nguy hiểm bởi căn bệnh này rất khó phát hiện nhưng lại có diễn biến rất nhanh khiến cho người bệnh không kịp trở tay.
Trong số đó có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị dành lại sự sống cho bệnh nhân hiệu quả rất thấp.

2. Đối tượng dễ mắc ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng thường là biểu hiện nặng của những bệnh lý mãn tính về cổ họng. Đây cũng là bệnh lý khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong ăn uống cũng như sinh hoạt. Nói chung, mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng nhưng đối tượng hay phải đối diện nhất với bệnh lý này là:
Nam giới:
Theo thống kê từ các bệnh viện lớn, ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đối tượng hay phải đối diện nhất với bệnh lý này là nam giới trong độ tuổi từ 40 – 60.
Người có thói quen hút thuốc lá:
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người có thói quen hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lào, xì gà thường xuyên đều có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Người có thói quen uống rượu bia:
Bên cạnh người hay hút thuốc lá, người nghiện rượu bia cũng rất dễ mắc phải căn bệnh này.
Người có thói quen ăn đồ muối chua, ướp mặn, thịt đổ, thực phẩm chế biến sẵn:
Những đối tượng này đều được xếp vào danh sách những đối tượng dễ mắc bệnh ung thư vòm họng.
Quan hệ tình dục đường miệng:
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, quan hệ tình dục qua đường miệng không an toàn được coi là thủ phạm dẫn đến bệnh ung thư vòm họng.
Ngoài ra những đối tượng khác cũng có khả năng cao mắc ung thư vòm họng như:
Người có tiền sử gia đình bị ung thư vòm họng hay mang loại gen nhất định có liên quan đến sự phát triển ung thư, đặc biệt là đã tiếp xúc với virus EBV.
3. Phân loại các loại ung thư vòm họng
Theo phân loại của WHO năm 1978.
Về mô bệnh học của ung thư vòm họng:
- Ung thư biểu mô không biệt hoá (UCNT-Undifferenciated carcinoma nasopharynngeal type) chiếm 75% – 85% (loại hay gặp nhất)
- Loại ung thư biểu mô biệt hoá (CS-Carcinoma spinocellulaire) chiếm 10% – 15%.
- Ung thư liên kết (Sarcoma) hiếm gặp khoảng: 5%.
Hạch cổ khi sinh thiết làm giải phẫu bệnh lý: đồng nhất với kết quả giải phẫu bệnh lý của vòm họng (nguyên phát).
Về hình thể của u gồm 3 loại:
- Thể U sùi (proliferative): U thường lồi lên trên vùng vòm họng gây ngạt tắc mũi.
- Thể loét (ulcerative): Dấu hiệu chảy máu thường hay gặp trong thể này.
- Thể thâm nhiễm (infiltrative): Tổ chức ung thư thâm nhiễm sâu vào lớp niêm mạc vòm họng.
Vị trí u hay gặp: Vị trí u hay gặp là ở hố Rosenmuller ở thành bên của vòm họng. Từ vị trí này u có thể lan vào nền sọ và gây nên các triệu chứng về thần kinh liên quan: Đau nhức đầu, liệt thần kinh sọ não.
Hạch cổ thường hay gặp vì vị trí vòm rất giàu bạch huyết.
4. Thống kê tiên lượng sống của ung thư vòm họng qua từng giai đoạn
Theo dữ liệu của từ AJCC năm 2010, tỉ lệ sống thêm 5 năm của những người được chẩn đoán ung thư vòm họng tại Mỹ hiện nay như sau:
- Giai đoạn 1: 72%
- Giai đoạn 2: 64%
- Giai đoạn 3: 62%
- Giai đoạn 4: 38%
Việc tiên lượng của các bác sĩ là dựa vào khoảng thời gian sống trung bình của một nhóm người. Điều này không tuyệt đối đúng với từng người bệnh vì mỗi người có một thể trạng khác nhau.
Có người cùng ở giai đoạn đó, cùng dạng ung thư đó nhưng người này chỉ sống được 6 tháng, người khác lại sống được cả 5 – 6 năm cũng là chuyện bình thường.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là bệnh nhân nên lạc quan chữa bệnh. Sự lạc quan cũng là một liều thuốc giúp bệnh nhân sống lâu hơn.
Phần 2: Nguyên nhân – cách phòng tránh ung thư vòm họng
1. Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, có thể khoanh vùng được những yếu tố nguy cơ cao gây ra căn bệnh này.
Không chỉ những nguyên nhân “to tát” như bia rượu, thuốc lá mới có thể gây ra căn bệnh đáng gờm này mà nó có thể sản sinh ra từ những nguyên nhân tưởng như “vụn vặt” trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà bạn không ngờ tới.

Các yếu tố môi trường
Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, chất khí độc hại, đặc biệt là hydrocacbon thơm.
Trước khi đi vào để làm hại phổi thì nó phải đi qua đường vòm họng của bạn. Khi đó, nó có tác động lớn, kích thích và sản sinh các tế bào ung thư phát triển tại đây.
Thức ăn lên men
Theo một nghiên cứu thì những người thường xuyên ăn các thức ăn lên men như dưa, cà, trứng, các loại củ, cá muối có nguy cơ mắc bệnh về vòm họng hay ung thư vòm họng cao hơn những đối tượng khác.
Virus Epstein-barr
Khi sinh thiết khối u vòm họng người ta đã tìm thấy gen của virus epstein- Barr. Do đó, đây cũng được nghi ngờ là một yếu tố gây nên căn bệnh ung thư vòm họng cho bạn.
Yếu tố di truyền
Các nghiên cứu về di truyền học đã tìm thấy sự liên quan giữa các gen ức chế u và bệnh ung thư vòm họng.
Trong khi quá trình nghiên cứu, tìm kiếm họ đã không tìm thấy gen ức chế u ở những người mắc ung thư vòm họng như những người bình thường khác.
Tuổi tác và giới tính
Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lứa tuổi thường gặp nhất của căn bệnh này chiếm đến 70% là từ 30-55 tuổi.
Về giới tính, thông thường tỉ lệ nam/nữ là 2,5/1. Sở dĩ nam nhiều hơn nữ là do nam giới thường tiếp xúc với nhiều khí độc từ môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, hút thuốc lá, uống rượu bia… nhiều hơn nữ giới.
Uống rượu
Không thể không đề cập đến yếu tố vô cùng quan trọng này được, bởi rượu bia là nguyên nhân chiếm 1/3 trong tổng số các nguyên nhân khiến bạn mắc phải căn bệnh ung thư vòm họng.
“Yêu” bằng miệng
Tình dục bằng miệng là một trong những “thú vui” của rất nhiều người, không thể phủ nhận lợi ích về sự tăng khoái cảm, phòng tránh thai của cách “yêu” mới này.
Tuy nhiên, những ẩn họa mà nó mang lại cho bạn cũng không hề nhỏ. Bạn có thể dễ dàng mắc phải các căn bệnh da liễu hay bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, mụn rộp sinh dục…
Đặc biệt là nhiễm virus HPV – chủng virus gây u nhú trên cơ thể người hay còn gọi là bệnh sùi mào gà. Nếu không được chữa trị sớm hay chữa trị không dứt điểm, biến chứng của bệnh sẽ dẫn đến căn bệnh ung thư vòm họng khủng khiếp này.
2. Cách phòng ung thư vòm họng hiệu quả
Dù chưa có cách phòng tránh đặc hiệu căn bệnh ung thư vòm họng nhưng các nhà khoa học vẫn khuyên chúng ta nên có một lối sống sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để phòng tránh những yếu tố nguy cơ cao gây ra căn bệnh này, cụ thể:
Chế độ sinh hoạt
– Không hút thuốc lá, thuốc lào: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, việc từ bỏ thuốc lá làm giảm đáng kể nguy cơ gây ung thư vòm họng. Nếu bạn không hút thuốc lá, bạn đã tránh xa được một tác nhân rất lớn gây nên căn bệnh này.
– Hạn chế uống rượu bia và các đồ uống có cồn.
– Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như thịt muối, cá muối, các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…
– Không ăn đồ ăn quá nóng có thể gây tổn thương hầu họng dẫn đến ung thư vòm họng.
– Tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Thực phẩm
Chưa hề có nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể chống lại ung thư vòm họng. Nhưng các theo các nhà khoa học thì có thực phẩm phòng ung thư vòm họng hữu hiệu và lại rất tốt cho sức khỏe. Bạn hãy sử dụng thường xuyên các thực phẩm này nâng cao sức khỏe.
- Tỏi
Tỏi là một thực phẩm phòng ung thư vòm họng rất hiệu quả. Trong tỏi có chất lưu huỳnh giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên giúp phòng ung thư hiệu quả. Tỏi còn có hợp chất Allium có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, loại bỏ gốc tự do và tăng sinh tế bào.
- Bông cải xanh
Được cho là được gọi là siêu thực phẩm phòng ung thư vòm họng. Trong bông cải xanh có chứa flavonoid có tác dụng ngừa ung thư hiệu quả. Các thực phẩm nằm trong nhóm này như cải xoăn, súp lơ cũng có hàm lượng dinh dưỡng tương tự. Tuy nhiên cách chế biến cũng làm ảnh hưởng tới chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo bạn nên chế biến bằng cách luộc hay làm salad ăn sống để giữ lại nhiều chất dinh dưỡng.
- Cam, chanh
Theo nghiên cứu thì trong cam, chanh có chứa tới hơn 20 hợp chất chống ung thư. Không chỉ có thể nó còn có lợi trong việc giảm cân, làm đẹp, giảm cholesterol có hại. Theo tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia thì sử dụng 1 quả chanh mỗi ngày giúp giảm tới 50% nguy cơ gây ung thư.
- Cá hồi
Không thể phủ nhận được thịt đỏ cung cấp một lượng protein cho cơ thể phát triển. Nhưng theo nhiều nghiên cứu thì sử dụng thịt đỏ quá nhiều có nguy cơ mắc ung thư ngang với hút thuốc lá. Vì vậy việc thay thế bằng cá là một lựa chọn sáng suốt. Trong đó cá hồi là lựa chọn tuyệt vời. Các nhà nghiên cứu Australia cho biết sử dụng thường xuyên cá hồi làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Ngoài ra nó còn là nguồn cung cấp Omega -3 tuyệt vời cho sức khỏe tim mạch của bạn.
- Trà xanh
Trong trà xanh có chứa Catechin có tác dụng chống các bệnh ung thư nói chung. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản thì sử dụng 4 ly trà xanh mỗi ngày giúp giảm 40% nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
Phần 3: Triệu chứng & dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là căn bệnh phát triển âm thầm hầu như không để lại triệu chứng gì đáng kể.
Khi mới hình thành, căn bệnh này thường “vay mượn” triệu chứng của nhiều bệnh liên quan đến tai mũi họng như bệnh cảm cúm hoặc bệnh nội khoa về thần kinh, mạch máu khiến người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Vì vậy, hiểu rõ những triệu chứng sớm của ung thư vòm họng sẽ giúp bạn nhanh chóng phát hiện được căn bệnh nguy hiểm này.

1. Những triệu chứng giai đoạn đầu của ung thư vòm họng:
- Đau đầu: Người bệnh cảm thấy đau đầu âm ỉ từng cơn.
- Ù tai: Người bệnh thường bị ù một bên tai, mức độ ù khiến cho người bệnh cảm thấy tiếng trầm như tiếng ve kêu.
- Ngạt mũi một bên, lúc đầu ngạt từng lúc, kèm theo chảy máu mũi.
- Khàn tiếng kèm theo khó nuốt kéo dài không rõ nguyên nhân. Nếu triệu chứng này kéo dài 3 tuần trở nên mà không khỏi thì người bệnh nên đến cơ sở chuyên khoa để tầm soát bệnh ung thư ngay.
Các triệu chứng trên tuy dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác nhưng có thể phân biệt là nó có 1 đặc điểm chung của ung thư vòm họng là thường ở cùng 1 bên, tăng dần và dùng thuốc điều trị thì không đỡ.
2. Những triệu chứng muộn của ung thư vòm họng:
- Đau đầu: Cảm thấy đau đầu dữ dội, đau liên tục, các cơn đau lan từ nửa đầu bên này sang nửa đầu bên kia.
- Ù tai: Cảm thấy ù tai liên tục kèm theo thính lực giảm nghiêm trọng, khả năng nghe kém. Nếu đi khám có thể phát hiện ra tổn thương thực thể màng nhĩ bên bị bệnh.
- Ngạt mũi: Người bệnh cảm thấy ngạt mũi kèm theo liên tục chảy mủ mũi. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn, có thể thấy hiện tượng chảy mủ kèm theo máu.
- Nổi hạch góc hàm: Đây là vị trí di căn của hạch hay gặp nhất, bằng cảm quan thì có thể nhận thấy hạch lúc đầu nhỏ, rắn, sau đó hạch to lên và lan sang các vị trí khác.
Ở một số bệnh nhân, có thể thấy hiện tượng hạch góc hàm nổi trước khi xuất hiện những dấu hiệu khác. - Liệt các dây thần kinh sọ não: Khi khối u lan vào nền sọ sẽ gây tổn thương các dây thần kinh sọ não. Các dấu hiệu thường gặp như lác mắt, nhìn đôi, tê mặt, vẹo lưỡi, muộn hơn có thể gặp dấu hiệu nuốt sặc…
Phần 4: Những chuẩn đoán cần thiết trước khi kết luận ung thư vòm họng
Trước một bệnh nhân có những triệu chứng trên, phải nghi ngờ và được khám tỉ mỉ vòm họng đó là: soi vòm gián tiếp qua gương hoặc soi vòm bằng ống soi (cứng, mềm). Qua soi vòm có thể thấy một tổ chức sùi mủn nát, loét hoặc thâm nhiễm dễ chảy máu.

1. Sinh thiết khối u
Chẩn đoán giải phẫu bệnh lý, là yếu tố chẩn đoán xác định.
2. Chẩn đoán tế bào học
Có ý nghĩa định hướng (tế bào tại vòm họng hoặc tại hạch cổ).
3. Chẩn đoán huyết thanh
Phương pháp này dựa vào mối liên quan của EBV với bệnh ung thư vòm họng, có thể tiến hành trên hàng loạt người để phát hiện sớm ngay khi triệu chứng lâm sàng chưa rõ. Đó là xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, xác định hiệu giá IgA/VCA-EBV hoặc IgA/EA. Nhưng cũng không có giá trị chẩn đoán xác định mà vẫn phải dựa vào kết quả giải phẫu bệnh lý.
4. Chẩn đoán X- quang
Tư thế Hirtz.
C.T.Scan vùng vòm họng, nền sọ: đánh giá sự lan tràn và phá hủy của khối u lên nền sọ.
5. Chẩn đoán phóng xạ
Có thể chẩn đoán sớm được kích thước khối u, chẩn đoán được tình trạng di căn xa của bệnh.
6. Chẩn đoán giai đoạn
Tổ chức chống ung thư quốc tế (UICC – Union internationale contre le cancer) – 1987 xếp loại giai đoạn UTVH.
Phân loại T.N.M.
T (Tumor): khối u nguyên phát:
Tx: không rõ khối u.
Tis: (insitu) khối u nhỏ khu trú dưới niêm mạc.
To: không có u (soi vòm chưa thấy khối u).
T1: khối u khu trú ở 1 vị trí giải phẫu.
T2: khối u đã lan ra 2 vị trí khác.
T3: khối u lan vào hốc mũi, xuống dưới màn hầu.
T4: khối u đã phá huỷ xương nền sọ hoặc gây tổn tương các dây thần kinh sọ não.
N (Node): hạch cổ:
No: không sờ thấy hạch cổ.
N1: một hạch cổ, cùng bên, di động, KT< 3 cm.
N2: hạch cổ phân làm 3 mức.
N2a: một hạch cổ, cùng bên, di động, KT: 3 – 6 cm.
N2b: nhiều hạch cổ, cùng bên, di động, KT< 6 cm.
N2c: hạch cổ 2 bên hoặc đối bên, di động, KT< 6 cm. N3: hạch cổ đã cố định (kể cả hạch cổ 1 bên) hoặc KT> 6 cm.
M (Metastasis): di căn xa:
Mo: chưa xuất hiện di căn xa.
M1: đã xuất hiện di căn xa (căn cứ vào X-quang và siêu âm để chẩn đoán).
7. Phân loại giai đoạn lâm sàng
Giai đoạn I: T1NoMo.
Giai đoạn II: T2NoMo.
Giai đoạn III: T3NoMo, T1-3N1Mo.
Giai đoạn IV: T4No-1Mo, N2-3Mo và các T.
M1 (các T và các N).
8. Chẩn đoán phân biệt
U xơ vòm mũi họng.
Polyp mũi sau.
Tồn dư tổ chức V.A.
Phần 5: Các giai đoạn phát triển của ung thư vòm họng
Bệnh ung thư vòm họng có triệu chứng phổ biến tương tự như các bệnh ung thư khác: đầu tiên sẽ xuất hiện một khối u ác tính. Dưới đây là 4 giai đoạn của bệnh ung thư vòm họng:

1. Giai đoạn đầu
Giai đoạn I:
Các tế bào ung thư bắt đầu từ dây thanh âm rồi tiến vào hộp thoại. Triệu chứng bệnh nhân thường gặp là ù tai, nhức đầu, nghẹt mũi, chảy máu mũi… và thường nhầm lẫn với những căn bệnh tai – mũi – họng thông thường khác. Giai đoạn này khối u ác còn khá nhỏ với kích thước không quá 2,5 cm tế bào ung thư chưa lan sang các hạch bạch huyết. Nếu điều trị ở giai đoạn này thì khả năng sống trên 5 năm của bệnh nhân rất khả quan: trên 90%.
Giai đoạn II:
Đây vẫn được coi là giai đoạn đầu của bệnh ung thư vòm họng dù kích thước khối u đã khá lớn: 5 – 6 cm. Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sau thường xuyên hơn: nghẹt mũi, ù tai, đau tai, chức năng nghe kém… Ở giai đoạn này, dù các tế bào ung thư tăng lên đáng kể nhưng vẫn còn ở trong họng hoặc thanh quản chứ chưa lan sang các hạch bạch huyết.
2. Giai đoạn sau
Giai đoạn III:
Bệnh nhân bị đau nửa đầu khá nghiêm trọng, có cảm giác đau sâu trong hốc mắt hoặc thái dương. Lúc này, kích thước khối u đã tăng đáng kể, xâm lấn xương sọ và phì đại các hạch ở cổ. Các tế bào ung thư đã phát triển rất mạnh và lan tràn sang khu vực lân cận, mang lại những hậu quả khó lường.
Khi ung thư tiến đến giai đoạn III, nó đã phát triển và đã bắt đầu lan tràn đến các khu vực mà nó có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Kích thước của khối u đã tăng lên, nhưng nếu khối u vẫn còn nhỏ, thì có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật. Một số bác sĩ vẫn cho rằng giai đoạn III là còn sớm và có thể điều trị được bằng cách kết hợp hóa trị và xạ trị.
Giai đoạn IV:
Người bệnh bị chảy máu cam liên tục, có thể mất thính lực hoàn toàn, các hạch ở cổ cứng nhưng không đau, xệ mí mắt, thậm chí là mù… Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã lan đến môi và miệng, phá hủy các hạch bạch huyết. Trong các hạch bạch huyết có thể chứa những khối u lớn tới 6 cm. Ung thư vòm họng giai đoạn 4 có các tế bào ung thư di căn xa đến xương, phổi, gan hoặc não…
Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư vòm họng. Biểu hiện của giai đoạn cuối là xâm lấn và di căn.
Phần 6. Cách điều trị ung thư vòm họng hiện nay
1. Phẫu trị
Vòm họng là một nơi khó khăn để thực hiện phẫu thuật, hơn nữa các phương pháp điều trị khác như xạ trị thường có hiệu quả hơn, do đó hiếm khi phẫu thuật được sử dụng chính cho ung thư vòm họng (NPC). Những trường hợp áp dụng phẫu thuật là nhằm mục đích loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị khác.

Loại bỏ các khối u
Với các kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới hơn, các bác sĩ có thể sử dụng phạm vi sợi quang linh hoạt và dụng cụ phẫu thuật mỏng dài để loại bỏ hoàn toàn một số khối u vòm họng. Nhưng đây chỉ là một lựa chọn cho một số ít bệnh nhân.
Phương pháp phẫu thuật này có một số ưu điểm so với phương pháp điều trị khác như xạ trị đó là, nó cho phép các bác sĩ quan sát được các khối u và các mô lân cận để đảm bảo rằng đã loại bỏ hết những phần bị ung thư.
Loại bỏ các hạch bạch huyết
Ung thư vòm họng thường lan đến các hạch bạch huyết ở cổ. Loại ung thư này thường đáp ứng tốt với điều trị bằng xạ trị (và đôi khi hóa trị ). Tuy nhiên, trong trường hợp các tế bào ung thư còn sót lại, phẫu thuật bóc tách ở cổ có thể cần thiết để loại bỏ các hạch bạch huyết.
Phẫu thuật bóc tách có một số loại như:
Bóc tách chọn lọc (chỉ bỏ những hạch gần khói u và có nhiều khả năng bị loại bỏ hạch bạch huyết lây lan).
Bóc tách ở một bên của cổ giữa xương hàm và xương đòn, cũng như một số cơ bắp và mô thần kinh. Các dây thần kinh chính để các cơ bắp vai thường được giữ lại.
Bóc tách triệt để: loại bỏ gần như tất cả các hạch bạch huyết ở một bên cũng như các cơ bắp, mô thần kinh và mạch máu.
Rủi ro và tác dụng phụ của phẫu thuật
Các nguy cơ và tác dụng phụ của các hình thức phẫu thuật phụ thuộc vào loại phẫu thuật và sức khỏe nói chung của người bệnh trước khi phẫu thuật. Nếu bạn đang cân nhắc việc phẫu thuật, bác sĩ sẽ thảo luận về các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Tất cả các ca phẫu thuật đều có một số rủi ro, bao gồm khả năng chảy máu, nhiễm trùng, biến chứng sau cơn mê, và viêm phổi. Hầu hết mọi người sẽ bị đau đớn trong một thời gian sau khi phẫu thuật, tuy nhiên người bệnh có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau. Tác dụng phụ khác có thể xảy phẫu thuật tại khu vực đầu và cổ bao gồm các vấn đề về nói hoặc nuốt.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất của phẫu thuật ở cổ là tê tay, suy nhược khi nâng cánh tay phía trên đầu, và môi dưới yếu hơn. Những tác dụng phụ gây ra do tác động của phẫu thuật trên dây thần kinh nào đó tại khu vực này. Phẫu thuật bóc tách chọn lọc ở cổ có thể khiến vai và môi dưới yếu, nhưng có thể cải thiện sau vài tháng. Tuy nhiên, nếu một trong các dây thần kinh tại các khu vực này được lấy ra trong quá trình bóc tách, sự suy yếu sẽ là vĩnh viễn.
Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn những bài thể dục để nâng cao cổ, vai, và di chuyển dễ dàng.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư vòm họng và nguyên lý của nó là sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị để điều trị ung thư vòm mũi họng bao gồm xạ trị đơn thuần, xạ trị kết hợp hóa trị hoặc xạ trị để làm giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân. Phương pháp xạ trị gồm có xạ trị bên ngoài và xạ trị nội bộ. Đối với bệnh nhân ung thư vòm họng thì bác sĩ thường sử dụng xạ trị theo chùm tia bên ngoài và xạ trị nội bộ thường áp dụng trong điều trị ung thư vòm họng tái phát.
Xạ trị đơn thuần được sử dụng một mình là lựa chọn đầu tiên để điều trị cho một số loại ung thư vòm họng. Phương pháp này có thể chữa được hầu hết những trường hợp mắc ung thư vòm họng giai đoạn sớm (giai đoạn 1 và 2). Phương pháp điều trị này cũng phụ thuộc vào các yếu tố như kích thước của khối u, mức độ lan rộng của tế bào ung thư và vị trí của khối u trong vòm họng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư vòm họng có thể được hóa – xạ trị cùng lúc. Liệu pháp này cho hiệu quả tốt hơn so với xạ trị đơn thuần và rất phù hợp để điều trị cho bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 3 và 4 hoặc cho một số trường hợp ở giai đoạn 2.
Tóm lại, đây là phương pháp điều trị cho ung thư vòm họng giai đoạn muộn nhưng nó là phương pháp khá chuyên sâu, có nhiều tác dụng phụ và không phải bệnh nhân nào cũng có đủ sức khỏe để đối phó với các biến chứng sau điều trị.
Các tác dụng phụ của xạ trị ung thư vòm họng
Phương pháp xạ trị còn được áp dụng để giảm nhẹ triệu chứng cho các bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn muộn. Vì khối u phát triển quá lớn có thể gây đau đớn, chảy máu cam quá nhiều, người bệnh bị mất thính lực hoàn toàn, ù tai, sụp mí mắt, mắt nhìn mờ, khó nhai nuốt, khó thở hoặc đau xương… Khi đó, xạ trị có thể được sử dụng để làm giảm nhẹ các triệu chứng này bằng cách thu nhỏ kích thước của khối u. Dù rằng phương pháp này không thể điều trị triệt để ung thư vòm họng ở giai đoạn muộn, khối u có thể phát triển trở lại nhưng nó cũng giúp người bệnh nâng cao chất lượng sống và giảm đau đớn, khó chịu.
Các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị ung thư vòm họng bên ngoài bao gồm:
Thay đổi vùng da điều trị như bị phồng rộp, nổi mẩn đỏ, bệnh nhân bị buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, lở loét trong miệng và cổ họng, dẫn tới khó khăn khi ăn uống và sụt cân nhanh, khàn tiếng, mất vị giác… Những tác dụng phụ này có thể được cải thiện sau khi kết thúc xạ trị. Nhưng một số tác dụng phụ khác lại ít hoặc không được cải thiện theo thời gian như: vấn đề về răng, ảnh hưởng của ung thư đối với xương sọ, tổn thương tuyến nước bọt, vấn đề về tầm nhìn hoặc nghe vì phương pháp xạ trị có thể gây tổn hại tới một số dây thần kinh nhất định.
3. Hóa trị liệu
Hóa trị là phương pháp điều trị toàn thân, sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt hoặc ngăn ngừa sự phát triển của ung thư. Những loại thuốc này thường được tiêm tĩnh mạch hoặc uống. Thuốc hóa trị đi vào máu và đến khắp cơ thể, do đó hóa trị có tác dụng ngay cả khi ung thư đã lan rộng ra khỏi đầu và cổ.

Hóa trị có thể được sử dụng trong các tình huống khác nhau để điều trị ung thư vòm họng (NPC):
• Hóa trị thường được sử dụng cùng với xạ trị là điều trị đầu tiên cho những giai đoạn muộn của NPC vì một số loại thuốc hóa trị làm cho các tế bào ung thư nhạy cảm với bức xạ.
• Hóa trị cũng có thể được đưa ra sau khi bức xạ, được gọi là điều trị bổ trợ.
• Hóa trị được sử dụng cho bệnh nhân có NPC đã lan đến các cơ quan xa như phổi, xương hoặc gan. Nó có thể được sử dụng một mình hay cùng với bức xạ.
Hóa trị được thực hiện theo chu kỳ để người bệnh có thời gian phục hồi. Mỗi chu kỳ thường kéo dài khoảng 3-4 tuần. Hóa trị thường không khuyến khích cho bệnh nhân có sức khỏe kém, nhưng tuổi cao không phải là rào càn đối với điều trị hóa trị.
Cisplatin là loại thuốc hóa trị được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị NPC. Nó được sử dụng một mình như là một phần của hóa-xạ trị, nhưng có thể được kết hợp với một thuốc khác, 5-fluorouracil (5-FU) nếu đưa ra sau khi bức xạ.
Một số loại thuốc khác cũng có thể hữu ích trong việc điều trị ung thư đã lan rộng. Chúng bao gồm:
- Carboplatin (Paraplatin ® )
- Doxorubicin (adriamycin ® )
- Epirubicin (Ellence ® )
- Paclitaxel (Taxol ® )
- Docetaxel (Taxotere ® )
- Gemcitabine (Gemzar ® )
- Bleomycin
- Methotrexate
Thông thường, bác sĩ thường kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc hóa trị để điều trị.
Tác dụng phụ của hóa trị liệu
Thuốc hóa trị tấn công các tế bào đang phân chia nhanh chóng, đó là lý do tại sao nó có thể chống lại các tế bào ung thư. Nhưng các tế bào khác trong cơ thể như trong tủy xương, niêm mạc miệng và ruột, các nang tóc, cũng phân chia nhanh chóng. Những tế bào này cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hóa trị, và có thể dẫn đến tác dụng phụ nhất định.
Các tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào loại và liều lượng thuốc và thời gian người bệnh được điều trị. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Rụng tóc
- Lở loét miệng
- Mất cảm giác ngon miệng
- Buồn nôn và ói mửa
- Bệnh tiêu chảy
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng (do số lượng tế bào máu trắng thấp)
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu (do số lượng tiểu cầu trong máu thấp)
- Mệt mỏi (do số lượng tế bào máu thấp)
- Những tác dụng phụ thường nhanh chóng biến mất sau khi điều trị kết thúc. Trong trường hợp, nếu tác dụng phụ quá nhiều, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc hoặc dừng lại.
Phần 7: Cách chăm sóc – làm giảm triệu chứng và tác dụng phụ trong điều trị ung thư vòm họng
1. Tinh thần tích cực
Cũng giống như tất cả các bệnh khác, yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng và to lớn trong việc quyết định người bệnh ung thư vòm họng có thể chiến thắng ung thư hay không.
Tâm lý tích cực là trạng thái tâm lý bạn luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ với hiện tại. Không lo âu, phiền não. Bạn luôn nghĩ và tập trung tâm trí vào điều mình mong muốn, cảm thấy tâm an lành và biết cách chuyển hóa mọi vấn đề xấu thành tốt, tiêu cực thành tích cực.
Trong cuộc đời ai cũng phải vượt qua những khó khăn thử thách của riêng mình, không ai được đi trên con đường bình lặng cả. Sự việc vẫn diễn ra dù bạn có coi nó là ghê gớm hay nhẹ nhàng, vì vậy hãy chọn cho mình cách nhìn đơn giản và dễ dàng chấp nhận nhất.
Chọn cách sống tích cực, lạc quan, không coi mình là người bệnh để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tìm những niềm vui thường ngày trong cuộc sống thay vì chỉ nghĩ tới bệnh tật như:
- Xem phim hài, truyện cười…
- Tụng Kinh, niệm Phật giúp tâm an lành
- Cười nhiều hơn
2. Thể dục thể thao
Ngoài việc có 1 tinh thần tốt bạn cũng cần có 1 cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng được nâng cao dù đang bị bệnh, tập thể dục sẽ giúp bạn làm điều đó.
Tập thể dục giúp máu được lưu thông nhiều hơn, tăng lượng oxy trong máu giúp nuôi dưỡng các tế bào bình thường phát triển. Mặt khác, oxy sẽ can thiệp vào hoạt động của các tế bào ung thư, nó có khả năng khôi phục những vùng bị tổn thương trong tế bào ưng thư, có thể giúp chuyển hóa các tế bào ung thư trở lại thành tế bào bình thường.
Bạn nên lựa chọn môn thể dục phù hợp với thể trạng của mình, ví dụ như:
- Hàng ngày đi bộ một giờ vào buổi sáng, trước 10 giờ sáng, bạn chọn nơi yên tĩnh, có nhiều cây xanh, ở các vùng quê có khí hậu trong lành là tốt nhất. Nếu bạn đang ở thành phố thì nên chọn đi bộ trong các công viên nhiều cây xanh, quanh hồ. Khi đi bộ bạn để tâm trạng thoải mái, bạn tập trung vào nhịp thở và bước chân của mình. Bạn lắng nghe những âm thanh của gió, của lá và hòa mình vào thiên nhiên. Vitamin D trong ánh nắng mặt trời có tác dụng rất tốt đối với việc chuyển hóa tế bào ung thư và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Tập Yoga đều đặn giúp bạn thanh lọc cơ thể. Yoga áp dụng các kỹ thuật hít thở, luyện tập, thư giãn đúng cách để đem lại sự cân bằng cả về cơ thể, tâm trí và tinh thần. Dựa trên việc tập luyện kết hợp với hơi thở, yoga giúp đưa khí huyết lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là những vùng đang bị tổn thương để nuôi dưỡng các tế bào và tạo ra sức đề kháng tự nhiên giúp phục hồi bệnh từ bên trong. Bài tập luyện khí hay tập hít thở trong Yoga rất tốt đối với bệnh nhân mắc bệnh ung thư khi giúp đào thải khí độc ra ngoài, cân bằng sinh khí, cung cấp oxy đẩy máu đi nuôi cơ thể, mang lại sự cân bằng cho trí não, làm dịu các cơn căng thẳng thần kinh, đen lại sự bình yên và tích cực cho tâm trí, niềm tin từ bên trong cho người bệnh. Tập Yoga 3 giờ/tuần có thể làm giảm sự khó chịu về thể chất và làm giảm nồng độ hormone căng thẳng. Các động tác Yoga phục hồi giúp làm giảm mệt mỏi, viêm và đau, làm cho bệnh nhân cảm thấy tích cực và thoải mái hơn
- Bạn có thể chạy bộ hàng ngày, khi chạy bộ, bạn thở nhanh hơn, lượng oxy đi vào cơ thể nhiều hơn giúp cho tế bào bình thường được nuôi dưỡng khỏe mạnh hơn. Việc thiếu oxy sẽ làm cho tế bào bình thường bị suy yếu và tế bào ung thư phát triển mạnh hơn.
- Nếu sức khỏe của bạn không được tốt, bạn chỉ cần thực hiện bài tập vẩy tay hàng ngày. Tác dụng chính của vẩy tay là làm cho mọi mặt trong cơ thể luôn cân bằng âm dương, cân bằng hàn nhiệt, cân bằng khí huyết, cân bằng hấp thu và bài tiết. Vẩy tay giúp tim phổi hoạt động mạnh, là cách nạo vét các chất độc hại trong mạch máu bằng khí. Tập vẩy tay hàng ngày giúp bạn cảm thấy ăn tốt ngủ ngon, tăng cường sức khỏe và chữa nhiều bệnh như: Suy nhược thần kinh, huyết áp cao, bệnh tim các loại, bệnh thận, bán thân bất toại, trúng gió, méo mồm, lệch mắt, hen suyễn…Bạn tham khảo thêm hướng dẫn chi tiết bài tập vẩy tay tại https://www.youtube.com/watch?v=Olg0pupSmoY
3. Thức ăn – chế độ dinh dưỡng cho người mắc ung thư vòm họng
Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả điều trị bệnh. Với bệnh nhân ung thư vòm họng thì cảm giác nuốt rất đau vì thức ăn sẽ phải qua họng. Vì vậy các thức ăn cho bệnh nhân điều trị ung thư vòm họng thường ở dạng lỏng.

Nên ăn đồ ăn thanh đạm
Đồ ăn thanh đạm giúp chống viêm, thanh nhiệt và giải độc. Rất tốt có bệnh nhân mới điều trị phẫu thuật. Các thức ăn như rau xanh, sữa đậu nành, hoa quả ép còn giúp bổ sung một lượng vitamin và chất xơ lớn. Giúp cho cơ thể tăng sức đề kháng và hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Các món ăn dễ tiêu hóa
Các món ăn dễ tiêu hóa sẽ rất tốt cho người mắc ung thư vòm họng. Món súp từ rau củ hay ngũ cốc nghiền… sẽ giúp việc nuốt của người bệnh dễ dàng hơn.
Thực phẩm giàu vitamin và protein
Giúp kích thích vị giác của người bệnh và cung cấp năng lượng cho người bệnh. Các loại cá, đậu nành là một lựa chọn phù hợp. Tất nhiên bạn nên nấu mềm để bệnh nhân dễ ăn hơn.
Nên cho bệnh nhân uống các loại nước ép sau điều trị vì nó cung cấp lượng lớn vitamin giúp tăng cường miễn dịch. Thay thế thịt đỏ bằng thịt trắng như thịt gia cầm, cá, trứng, đậu phộng để cung cấp lượng protein cho cơ thể.
Uống nhiều nước
Sau khi điều trị ung thư vòm họng, cơ thể sẽ mất nước nghiêm trọng. Bổ sung nước hay các loại nước ép, nước dừa, nước mía để giữ ẩm và giảm đau khi điều trị.
Cách chế biến thực phẩm
Đối với bệnh nhân điều trị ung thư vòm họng nên ăn thức ăn dạng lỏng hoặc mềm. Các món súp, canh, nước ép sẽ dễ dàng cho bệnh nhân ăn hơn. Không nên chế biến món ăn với quá nhiều dầu mỡ như món rán, món chiên vì nó khó tiêu hóa và bệnh nhân cũng rất khó ăn được. Chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh ăn nhiều một bữa gây nhàm chán.
4. Thực phẩm bổ sung
Ngoài việc ăn uống ngủ nghỉ điều độ, người bệnh cũng cần chú ý tới việc bổ sung những thực phẩm tốt cho bệnh ung thư vòm họng để giúp bệnh nhanh chóng ổn định.
Một số chất bổ sung giúp xây dựng lại hệ thống miễn dịch: Floressence, Essiac, chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, EPA, dầu cá … giúp các tế bào để chiến đấu và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chất bổ sung khác như vitamin E được biết đến bởi vì nó gây ra apoptose, cách bình thường của cơ thể để loại bỏ các tế bào vô dụng hoặc bị lỗi.
Để lựa chọn được thực phẩm tốt và phù hợp với cơ địa của bản thân, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ của mình vì không ai có thể hiểu bệnh của bạn hơn bác sĩ.
Tất cả những thực phẩm bổ sung này cần đảm bảo chất lượng và nguồn gốc tránh tác dụng ngược cho người bệnh.
5. Thuốc và tham gia quá trình điều trị bệnh
Yếu tố cuối cùng là dùng thuốc, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sỹ và tham gia vào quá trình trị bệnh của chính mình chứ không phải là bác sĩ chỉ đâu, đánh đó không biết mình đang ở tình trạng nào, dùng thuốc gì…
Bác sỹ rất bận rộn, hơn nữa họ không có thói quen nói chi tiết, cụ thể cho bệnh nhân nếu bạn không hỏi.
Hãy hỏi để hiểu bệnh của mình, hãy hỏi đúng câu và đúng cách để nắm được những thông tin cần thiết.
Sẽ không có may mắn hay cơ hội nào chờ bạn cả nếu bạn không làm gì và chỉ mong chờ nó đến. Hãy hành động vì tính mạng của mình và người thân.
Phần 8: Những câu hỏi thường gặp về ung thư vòm họng
1. Ung thư vòm họng có lây được không?
Ung thư vòm họng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây từ người sang người. Tuy vậy, có một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng: các thành viên trong gia đình có chung chế độ sinh hoạt (ăn nhiều muối, đồ ăn lên men…) Một nghiên cứu cho thấy: một số người bị ung thư vòm họng có khoảng 30 gen nội sinh – bình thường chúng ở trạng thái “nghỉ ngơi”, chỉ khi có một yếu tố cảm ứng tác động vào thì chúng mới hoạt động và làm tăng nguy cơ ung thư.
Việc sinh hoạt tình dục bằng đường miệng (oral sex) sẽ làm lây truyền virus HPV – một trong số những loại virus gây ung thư vòm họng ngoài virus EBV. Và cơ chế này thì không phải là lây truyền bệnh ung thư vòm họng trực tiếp từ người sang người mà chỉ là lây truyền virus gây bệnh qua đường tình dục – loại virus có thể gây ung thư vòm họng. Vì vậy, chỉ có thể nói ung thư vòm họng được lây gián tiếp bởi virus HPV – virus lây truyền qua đường tình dục.
2. Phân biệt ung thư vòm họng và viêm họng hạt
Viêm họng hạt và ung thư vòm họng là một trong những bệnh về đường hô hấp khá phổ biến. Ung thư vòm họng và viêm họng hạt có những triệu chứng rất giống nhau nên bạn cần biết cách phân biệt chúng rõ ràng để phát hiện bệnh kịp thời, tìm ra cách điều trị nhanh chóng, bởi ung thư vòm họng là bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Ung thư vòm họng và viêm họng hạt là 2 bệnh về họng dễ gây nhầm lẫn nhất. Nếu bạn xem nhẹ hoặc không quan sát các biểu hiện của bệnh sẽ gây ra nhầm lẫn giữa bệnh lý viêm họng hạt với căn bệnh nguy hiểm ung thư nguy hiểm này. Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ cách phân biệt 2 căn bệnh để các bạn có thể phát hiện bệnh kịp thời,chữa và điều trị sớm giảm nguy cơ tử vong do bệnh ung thư mang lại.
Đặc điểm của viêm họng hạt
Viêm họng hạt là một trong những dạng viêm họng thường gặp. Người mắc viêm họng thường rất khó chịu trong sinh hoạt thường ngày như đau họng khó khăn khi ăn uống. Tuy nhiên, bệnh viêm họng rất lành tính không gây nhiều nguy hiểm cho bạn không gây nên những biến chứng nặng nề. có thể nhanh chóng điều trị khỏi bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Triệu chứng thường gặp của viêm họng hạt
Người mắc chứng bệnh này thường có những biểu hiện sau:
Có cảm giác đau, ngứa rát cổ họng, trong việc ăn uống hàng ngày thường khó khắn, không bị sốt.
Vùng niêm mạc họng bị tổn thương, xuất hiện những “hạt” màu trắng.
Người bệnh hay khạc nhổ đờm, nếu nặng hơn có thể phát triển thành bệnh viêm họngcấp.
So sánh các điểm khác biệt của viêm họng hạt với ung thư vòm họng là:
Ở giai đoạn đầu rất khó nhận ra các dấu hiệu của bệnh bạn sẽ chỉ nghĩ đơn giản đó là các triệu chứng đau họng bình thường. Người mắc có cảm giác khó chịu ở cổ , nói khó bị khàn tiếng, cảm giác có khối u ở cổ, da ở vùng cổ dầy lên.
Nếu thấy xuất hiện chảy máu cam, nổi hạch và có cảm giác nghẹn ở cổ cần đưa người bệnh đến bác sĩ để kiểm tra, xác định căn nguyên của bệnh để kịp thời chữa và điều trị
Khối u ở vùng cổ họng sẽ ngày càng phát triển, làm ảnh hưởng tới các mô ở cổ và ảnh hưởng tới dây thanh quản, làm người bệnh luôn cảm thấy khó chịu khàn tiếng nói chuyện khó khăn.
Lời kết
Trên đây là những thông tin cơ bản và cần thiết về căn bệnh ung thư vòm họng mà chúng tôi đã tổng hợp lại từ những nguồn uy tín. Hi vọng với những thông tin này bạn và người thân có thể biết rõ hơn về căn bệnh ung thư vòm họng. Bạn hoàn toàn có thể download dữ liệu về máy, in ra để đọc hay chia sẻ với người thân của mình.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hay góp ý cho bài viết, bạn vui lòng để lại comment bên dưới.
P/s: Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích, vui lòng hãy like và share để cùng chúng tôi lan tỏa những tri thức giá trị tới cộng đồng.